BỆNH VIÊM DA TIẾT BÃ
VIÊM DA TIẾT BÃ: SINH BỆNH HỌC VÀ ĐIỀU TRỊ
Ths.Bs. Võ Quang Đỉnh
Bộ Môn Da Liễu Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
MỞ ĐẦU
>>ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA
Viêm da tiết bã là một bệnh viêm da mạn tính thường gặp và hay tái phát. Biểu hiện lâm
sàng đặc trưng với hồng ban tróc vảy nhờn, giới hạn tương đối rõ, tập trung chủ yếu ở vùng
da có nhiều tuyến bã như da đầu, mặt và thân trên. Bệnh thay đổi từ nhẹ đến nặng, gồm
dạng vảy phấn, dạng vảy nến hoặc đỏ da toàn thân. Ngoài ra, viêm da tiết bã còn là một
trong những bệnh da thường gặp ở người nhiễm HIV và AIDS. Do đó, bệnh được xem là
dấu hiệu báo trước nên cần đánh giá cẩn thận ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
DỊCH TỄ HỌC
Tỉ lệ bệnh lưu hành trong dân chúng khoảng 1–3%. Nam thường gặp nhiều hơn nữ và
không có sự khác biệt về chủng tộc. Bệnh có thể gặp đến 85% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường tập trung ở 2 đỉnh: tuổi nhũ nhi (thường trước
3 tháng tuổi) và tuổi sau dậy thì (thanh thiếu niên và người trẻ).
NGUYÊN NHÂN VÀ SINH BỆNH HỌC
Dù có rất nhiều giả thiết, tuy nhiên nguyên nhân gây viêm da tiết bã vẫn chưa được biết rõ. Một số
yếu tố sau được xem là góp phần trong nguyên nhân sinh bệnh của Viêm da tiết bã:
Malassezia:
Nhiều bằng chứng cho thấy có sự gia tăng lượng Malassezia trong vảy ở da đầu và thương
tổn Viêm da tiết bã. Malassezia được tìm thấy nhiều nhất là M. globosa, M. restricta và M.
fufur. Các vi nấm men này gây viêm qua các sản phẩm chuyển hóa của chúng trong thượng
bì hoặc sự hiện diện của chúng trên bề mặt da. Cơ chế gây viêm có lẽ qua tế bào
Langerhans và kích hoạt tế bào lympho T bởi chính Malassezia hoặc các sản phẩm chuyển
hóa của chúng. Ngoài ra, chúng còn kích hoạt bổ thể qua cả hai con đường cổ điển và thay
thế, do đo dẫn đến tình trạng viêm.2
Tăng tiết bã:
Mặc dù bệnh chủ yếu ở vùng da có nhiều tuyến bã, nhưng đây không phải là bệnh của nang
lông tuyến bã và không phải bệnh nhân Viêm da tiết bã nào cũng có tình trạng tăng tiết bã.
Bệnh được nghĩ có liên quan đến tuyến bã do vị trí của bệnh (vùng nhiều tuyến bã) và tuổi
thường gặp của bệnh ở 2 đỉnh: tuổi sơ sinh (tuyến bã hoạt động nhiều do androgen từ mẹ
qua) và tuổi thanh thiếu niên, tuổi trẻ (tuyến bã hoạt động mạnh nhất). Một nghiên cứu cho
thấy số lượng và thành phần chất bã không có sự bất thường nhưng có sự thay đổi nhẹ
thành phần của lipid ở bề mặt da với tăng cholesterol, triglycerides và paraffin, giảm
squalene, acid béo tự do và ester sáp. Sự bất thường thường gây rối loạn quá trình sừng hóa,
được thấy rõ trên mô học.
Viêm da tiết bã thường gặp ở người bệnh Parkinson hoặc các bệnh thần kinh khác do có
tình trạng tăng tiết bã. Tương tự, các thuốc levodopa và promestriene làm giảm tiết bã cũng
cải thiện Viêm da tiết bã.
Các yếu tố khác:
- Thuốc: một số thuốc có thể gây tổn thương giống viêm da tiết bã như: arsenic, vàng,
methyldopa, cimetidine và các thuốc thần kinh.
- Bất thường các chất dẫn truyền thần kinh: một vài bất thường thần kinh ảnh hưởng đến
thần kinh trung ương có liên quan với Viêm da tiết bã như Parkinson sau viêm não,
động kinh, liệt mặt, tổn thương một bên thần kinh tam thoa… Stress cũng làm nặng
thêm Viêm da tiết bã.
- Yếu tố vật lý: nhiệt độ và lưu lượng máu ở da có liên quan đến vị trí trong Viêm da tiết
bã. Sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm có thể làm nặng thêm Viêm da tiết bã. Một số bệnh
nhân bị Viêm da tiết bã sau PUVA liệu pháp.
- Gen: gần đây phát hiện bất thường gen trong protein ngón tay kẽm (zinc finger protein)
trong Viêm da tiết bã.
Viêm da tiết bã và suy giảm miễn dịch:
Xuất hiện đột ngột hoặc nặng thêm tình trạng viêm da tiết bã có thể là dấu hiệu báo trước sự
hiện diện nhiễm HIV và AIDS. Nguyên nhân có thể do tình trạng ức chế miễn dịch làm gia
tăng lượng Malassezia.3
LÂM SÀNG
Biểu hiện lâm sàng đa dạng, thay đổi từ nhẹ đến nặng.
Các dạng lâm sàng
Trẻ nhũ nhi: Da đầu (cradle cap)
Thân mình (vùng nếp và tả lót)
Bệnh Leiner
Người lớn: Da đầu Dạng cánh hoa
Mặt Dạng vảy phấn
Thân mình Vùng nếp
Dạng chàm
Đỏ da toàn thân Nang lông
ĐIỀU TRỊ
Mục tiêu điều trị:
Đây là bệnh da mạn tính, nên không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể ức chế và làm
bệnh không nặng hơn do đó cần điều trị lâu dài.
Mục tiêu điều trị: loại bỏ vảy, ức chế chủng nấm men, kiểm soát bội nhiễm, giảm đỏ và ngứa.
Tại chỗ:
- Kháng nấm: imidazole, ciclopirox, terbinafine.
- Corticosteroid.
- Ức chế calcineurin: tacrolimus, pimecrolimus.
- Tiêu sừng: salicylic acid, lưu huỳnh, hắc ín (tar).
- Vitamin D3: calcipotriene, calcitriol, tacalcitol.
- Khác: metronidazole, benzoyl peroxide, lithium.
Toàn thân:
- Kháng nấm: itraconazole, ketoconazole, terbinafine, fluconazole, privaconazole.
- Isotretionin.
- Corticosteroid.
Quang trị liệu:
- UVB phổ hẹp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét